Đại Thanh tần phi Tuệ_Hiền_Hoàng_quý_phi

Sơ phong Quý phi

Năm Ung Chính thứ 13 (1735), ngày 3 tháng 9 (âm lịch), Bảo Thân vương Hoằng Lịch kế vị, sử gọi [Càn Long Đế]. Ngày hôm ấy, Hoàng đế tấn tôn sinh mẫu Hi phi Nữu Hỗ Lộc thị làm Hoàng thái hậu, Đích phi Phú Sát thị dụ lập làm Hoàng hậu.

Sang ngày 24 tháng 9 (âm lịch) cùng năm, Càn Long Đế dụ phong tước vị cho các phi tần ở tiềm để, Trắc phi Cao thị làm Quý phi, rồi đem gia tộc Bao y Cao thị nâng kỳ, nhập thành Mãn Châu Tương Hoàng kỳ[2][3], thân phận Bao y hoàn toàn được gột rửa, điều này cũng làm tăng thân phận, xuất thân và địa vị của Cao thị trong hậu cung hơn bao giờ hết. Trong hậu cung, Cao thị là Quý phi duy nhất, ngay sát dưới là Nhàn phi Na Lạp thị, Thuần tần Tô thị cùng Nghi tần Hoàng thị. Do Càn Long Đế còn đang để tang, nên Cao thị vẫn chưa chính thức hành lễ sắc phong Quý phi, mà phải đợi sang năm thứ hai[4].

Năm Càn Long thứ 2 (1737), vào ngày 4 tháng 12 (âm lịch), lấy Bảo Hòa điện Đại học sĩ Trương Đình Ngọc làm Chính sứ, Nội các Đại học sĩ Tác Trụ (索柱) làm Phó sứ, tuyên sắc lễ tấn Trắc Phúc tấn Cao thị làm Quý phi.

Sách văn rằng:

Quý phi Cao thị sơ phong

朕惟政先内治。赞雅化于坤元。秩晋崇班。沛渥恩于巽命。彝章式考。典礼攸加。尔庶妃高氏、笃生名族。克备令仪。持敬慎以褆躬。秉柔嘉而成性。椒掖之芳声早著。度协珩璜。璇闱之淑德丕昭。荣膺纶綍。兹仰承皇太后慈谕。以册宝封尔为贵妃。尔其祗勤日懋。迓景福以凝祥。恭顺弥彰。荷洪庥而衍庆。钦哉。

.

Trẫm duy chính tiên nội trị. Tán nhã hóa vu khôn nguyên. Trật tấn sùng ban. Phái ác ân vu tốn mệnh. Di chương thức khảo. Điển lễ du gia.

Nhĩ Thứ phi Cao thị, đốc sinh danh tộc. Khắc bị lệnh nghi. Trì kính thận dĩ đề cung. Bỉnh nhu gia nhi thành tính. Tiêu dịch chi phương thanh tảo trứ. Độ hiệp hành hoàng. Toàn vi chi thục đức phi chiêu. Vinh ưng luân phất. Tư ngưỡng thừa Hoàng thái hậu từ dụ, Dĩ sách bảo phong nhĩ vi Quý phi.

Nhĩ kỳ chi cần nhật mậu. Nhạ cảnh phúc dĩ ngưng tường. Cung thuận di chương. Hà hồng hưu nhi diễn khánh. Khâm tai.

— Sách văn Quý phi Cao thị

Niên hiệu Sùng Đức thời Hoàng Thái Cực, sách lập Hiếu Đoan Văn hoàng hậu cùng sách phong Tứ phi là Thần phi Hải Lan Châu, Quý phi Na Mộc Chung, Thục phi Ba Đặc Mã Tảo và Trang phi Bố Mộc Bố Thái, Hoàng Thái Cực đã cho làm lễ [Khánh hạ; 慶賀] cho cả triều đình chúc mừng. Trong dịp ấy, Công chúa, Vương phi và Mệnh phụ nhập triều bái lạy Hoàng hậu[5], đồng thời cũng bái lạy Tứ phi bằng [Tứ túc nhị quỵ nhị khấu lễ; 四肃二跪二叩礼][6]. Sang thời Ung Chính, ông lập Hiếu Kính Hiến hoàng hậu và cử hành Khánh hạ, do đó Đôn Túc Hoàng quý phi Niên thị cũng được vinh dự nhận lễ từ các mệnh phụ vào triều bái. Đến triều Càn Long, lễ sắc phong của Cao thị được làm ngay lễ sách lập của Hoàng hậu Phú Sát thị, do đó Càn Long Đế căn cứ theo tiền lệ của Đôn Túc Hoàng quý phi, cho phép Quý phi Cao thị được hưởng quy lễ nhận bái kiến của Công chúa, Thân vương Phúc tấn và Cáo mệnh phu nhân với lễ bái [Tứ túc nhị quỵ nhị khấu lễ].

Về sau, sách phong Gia Quý phi Kim thị ngay dịp Kế Hoàng hậu Na Lạp thị được sách lập Hoàng quý phi, do lễ lập Hoàng quý phi cử hành Khánh hạ y như lễ lập Hậu nên có quan viên tấu lên chiếu theo lệ của Cao thị mà cho Gia Quý phi được nhận lễ bái, thế nhưng Càn Long Đế không bằng lòng. Lý do cho sự khác biệt này, Càn Long Đế phê định rằng từ vị Trắc Phúc tấn phong ngay Quý phi trong dịp đại điển lập Hậu, khác với phi tần cấp dưới được tấn phong lên, cho nên đều không thể như nhau. Từ đó, Càn Long Đế cho sách Hội điển ghi tiền lệ của Quý phi Cao thị, quy định cho các Quý phi sơ phong từ tiềm để, lại được cùng phong với Hoàng hậu trong các dịp đại điển khánh hạ đều có thể nhận triều bái của mệnh phụ, khác với Quý phi tấn phong[7].

Căn cứ theo Điền thương nhật (填仓日) của Càn Long Đế ngự thi, thì Cao thị được ban Thiều Cảnh hiên (韶景轩) trong Viên Minh Viên[8], cũng xét trong "Tiết thứ chiếu thường thiện để đương" (节次照常膳底档), thì Cao thị có khả năng ngự ở Chung Túy cung khi ở Tử Cấm Thành[9].

Tấn phong Hoàng quý phi

Năm Càn Long thứ 10 (1745), ngày 23 tháng 1 (tức ngày 23 tháng 2 dương lịch), Quý phi Cao thị hấp hối, Càn Long Đế ra chỉ dụ nâng lên thành Hoàng quý phi.

Ngày hôm ra chỉ dụ, Càn Long Đế còn nâng địa vị một loạt các phi tần khác, như Nhàn phi Na Lạp thị và Thuần phi Tô thị đều thăng Quý phi, Du tần lên Phi, Ngụy Quý nhân lên Lệnh tần[10]. Ngày hôm sau, 24 tháng 1, Càn Long Đế cũng ra chỉ dụ truy phong Triết phi làm Hoàng quý phi, ban hiệu là Triết Mẫn. Sang ngày 25 tháng 1 (tức ngày 25 tháng 2 dương lịch), Hoàng quý phi Cao thị qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi, chưa kịp có lễ sách phong. Ngày 26 tháng ấy, ban tặng thụy hiệuTuệ Hiền Hoàng quý phi (慧賢皇貴妃). Sinh thời Cao thị không có phong hiệu, chỉ khi mất mới có thụy hiệu. Theo Hồng xưng thông dụng (鴻稱通用) của Nội vụ Phủ, chữ "Tuệ" Mãn văn đọc là 「ulhisu」, có nghĩa "nhanh nhạy", còn "Hiền" là 「erdemungge」, ý là "Có đức", đây cũng là chữ Hiền trong thụy hiệu của Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu.

Tháng 4, làm lễ sách thụy cho Tuệ Hiền Hoàng quý phi và Triết Mẫn Hoàng quý phi, sai quan tế Thái Miếu hậu điện và Phụng Tiên điện[11]. Sách thụy văn rằng:

赞雅化于璇宫,久资淑德,缅遗芳于桂殿,申锡鸿称。既备礼以饰终,弥怀贤而致悼。尔皇贵妃高氏,世阀钟祥,坤闺翊政,服习允谐于图史,徽柔早着于宫廷。职佐盘匜,诚孝之思倍挚,荣分翚翟,肃雝之教尤彰。已晋崇阶,方颁瑞物。芝检徒增其位号,椒涂遂失其仪型。兹以册宝,谥曰慧贤皇贵妃。于戏!象设空悬,彤管之清芬可挹,龙文叠沛,紫庭之矩矱长存。式是嘉声,服兹庥命。

.

Tán nhã hóa vu toàn cung, cửu tư thục đức, miến di phương vu quế điện, thân tích hồng xưng. Kí bị lễ dĩ sức chung, di hoài hiền nhi trí điệu.

Nhĩ Hoàng quý phi Cao thị, thế phiệt chung tường, khôn khuê dực chính, phục tập duẫn hài vu đồ sử, huy nhu tảo trứ vu cung đình. Chức tá bàn di, thành hiếu chi tư bội chí, vinh phân huy địch, túc ung chi giáo vưu chương. Dĩ tấn sùng giai, phương ban thụy vật. Chi kiểm đồ tăng kỳ vị hào, tiêu đồ toại thất kỳ nghi hình. Tư dĩ sách bảo, thụy viết Tuệ Hiền Hoàng quý phi.

Vu hí! Tượng thiết không huyền, đồng quản chi thanh phân khả ấp, long văn điệp phái, tử đình chi củ hoạch trường tồn. Thức thị gia thanh, phục tư hưu mệnh.

— Sách thụy Tuệ Hiền Hoàng quý phi[12]